Kinh nghiệm luyện kĩ năng đọc cho học sinh đọc kém Tiếng Việt Lớp 2

Trong những năm thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã giúp giáo viên chủ động hơn, linh hoạt hơn trong việc tổ chức cho học sinh học tập. Tuy nhiên nhìn chung tiến trình các bước lên lớp cho một tiết học, bài học, môn học vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài nên dẫn đến còn nhiều học sinh học kém tiếng việt.

Tình trạng học sinh đọc kém Tiếng Việt ở Tiểu học nói chung và khối lớp 2 nói riêng hiện còn khá phổ biến ở các trường, các lớp. Cho nên không chỉ trông chờ vào các biện pháp hỗ trợ của nhà trường, gia đình, xã hội mà tất cả giáo viên phải nghĩ và nghĩ nhiều hơn đến việc nâng cao hiệu quả giảng dạy đối với học sinh đọc kém Tiếng Việt ngay trên lớp của mình.

Trong dạy học chúng ta cần phải rèn các kĩ năng đọc cho học sinh vì kĩ năng đọc rất quan trọng (quan trọng nhất trong 4 kĩ năng chính: nghe, nói, đọc, viết Tiếng Việt ở Tiểu học). Qua nhiều năm đựơc phân công giảng dạy ở lớp 2, tôi đã nhiều lần băn khoăn, suy nghĩ tìm tòi những biện pháp dạy kĩ năng đọc cho học sinh đọc kém Tiếng Việt. Qua nhiều lần áp dụng các biện pháp giảng dạy tôi đã rút ra đựơc một số kinh nghiệm trong quá trình dạy cho học sinh biết đọc, tôi xin được trình bày để các bạn đồng nghiệp trao đổi.

 

doc6 trang | Chia sẻ: giaoanmamnon | Lượt xem: 3128 | Lượt tải: 1Download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kinh nghiệm luyện kĩ năng đọc cho học sinh đọc kém Tiếng Việt Lớp 2, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề tài:
KINH NGHIỆM LUYỆN KĨ NĂNG ĐỌC 
CHO HỌC SINH ĐỌC KÉM TIẾNG VIỆT LỚP 2
PHẦN MỘT
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã giúp giáo viên chủ động hơn, linh hoạt hơn trong việc tổ chức cho học sinh học tập. Tuy nhiên nhìn chung tiến trình các bước lên lớp cho một tiết học, bài học, môn học vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài nên dẫn đến còn nhiều học sinh học kém tiếng việt.
Tình trạng học sinh đọc kém Tiếng Việt ở Tiểu học nói chung và khối lớp 2 nói riêng hiện còn khá phổ biến ở các trường, các lớp. Cho nên không chỉ trông chờ vào các biện pháp hỗ trợ của nhà trường, gia đình, xã hội mà tất cả giáo viên phải nghĩ và nghĩ nhiều hơn đến việc nâng cao hiệu quả giảng dạy đối với học sinh đọc kém Tiếng Việt ngay trên lớp của mình.
Trong dạy học chúng ta cần phải rèn các kĩ năng đọc cho học sinh vì kĩ năng đọc rất quan trọng (quan trọng nhất trong 4 kĩ năng chính: nghe, nói, đọc, viết Tiếng Việt ở Tiểu học). Qua nhiều năm đựơc phân công giảng dạy ở lớp 2, tôi đã nhiều lần băn khoăn, suy nghĩ tìm tòi những biện pháp dạy kĩ năng đọc cho học sinh đọc kém Tiếng Việt. Qua nhiều lần áp dụng các biện pháp giảng dạy tôi đã rút ra đựơc một số kinh nghiệm trong quá trình dạy cho học sinh biết đọc, tôi xin được trình bày để các bạn đồng nghiệp trao đổi.
PHẦN HAI
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1/. Tầm quan trọng việc luyện kĩ năng đọc cho học sinh đọc kém Tiếng Việt.
	Bốn kĩ năng chính:Nghe, đọc, nói, viết là thước đo việc dạy học Tiếng Việt cấp Tiểu học. Bốn kĩ năng này không những giúp ích cho học sinh học tốt môn Tiếng Việt mà còn là công cụ giúp học sinh học tốt các môn học khác. Đây cũng chính là phương tiện để học sinh tự bồi dưỡng thêm như đọc sách báo mở rộng tầm hiểu biết, ghi chép, sử dụng từ ngữ khi giao tiếp... Rèn tốt bốn kĩ năng trên là góp phần tích cực vào mục tiêu đào tạo của bậc Tiểu học.
	Trong bốn kĩ năng cơ bản cần rèn luyện cho học sinh thì kĩ năng đọc có vị trí hàng đầu. Bởi vì môn Tiếng Việt vừa là một bộ môn khoa học lại vừa là một bộ môn nghệ thuật. Tiếng Việt đi vào đời sống của con người trước hết là sức truyền cảm mạnh mẽ của nó. Học Tiếng Việt trước hết là cảm, sau đó mới là hiểu. Cảm tốt thì hiểu tốt, trên cơ sở ấy mà học sinh thích thú, hào hứng học tập rèn luyện. 
2/. Thực trạng về luyện kĩ năng cho học sinh đọc kém Tiếng Việt ở trường Tiểu học 1 Sông Đốc.
	Trong những năm học vừa qua, tập thể giáo viên nhà trường luôn thực hiện tốt việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Việc đổi mới phương pháp dạy học ở trường Tiểu học 1 Sông Đốc đã thu được nhiều kết quả khả quan: Có rất nhiều học sinh xuất sắc và học sinh tiên tiến. Trong các cuộc thi đọc diễn cảm, thi kể chuyện sách thiếu nhi có nhiều học sinh đọc trôi chảy, diễn cảm; kể chuyện lưu loát, mạch lạc, cảm thụ được nội dung bài văn bài thơ. 
Tuy nhiên trong một số lớp (nhất là ở khối 2, 3) vẫn còn một số học sinh đọc kém môn Tiếng Việt. Số học sinh này chủ yếu là người dân tộc hoặc ở xa trường, đi học bằng đò bao, gia đình chưa quan tâm đến việc học tập của các em. Khi học ở trên lớp, bản thân các em rất thụ động, ít phát biểu, nhút nhát, chưa chịu khó trong học tập dẫn đến các em chưa biết ghép vần cho đúng, đọc còn chậm, ngắt nghỉ chưa đúng. Việc đọc yếu khiến các em chán học môn Tiếng Việt, từ đó các em ngày càng đọc yếu kém hơn. Đặc biệt, khi giáo viên tổ chức kèm cặp thêm cho học sinh yếu vào một số buổi chiều trong tuần thì số học sinh này hầu như không tham gia được vì không có phương tiện đi lại hoặc cha mẹ không cho đi.
	Mặt khác, vẫn còn nhiều giáo viên chưa chú trọng việc kèm đọc cho học sinh yếu, công việc này thường được giáo viên giao cho một học sinh học khá hơn kèm cặp. Trong giờ học trên lớp, vì sợ thiếu thời gian nên giáo viên chỉ gọi học sinh đọc yếu đọc một số câu ngắn, các em đọc ê a làm giáo viên chán nản nên cuối cùng giáo viên chỉ hướng vào một số em đọc tốt cho xong giờ học. Vì thế nên học sinh đọc yếu ngày càng yếu hơn, học sinh đọc tốt ngày càng đọc trôi chảy.
Việc ở trường còn nhiều em đọc chậm, sai lỗi khi đọc đây là một nỗi bức xúc lớn của mọi giáo viên trong trường, riêng bản thân tôi đã tìm mọi cách, thử mọi hình thức mới tìm ra một số biện pháp giúp đỡ các em đọc chậm môn Tiếng Việt. Những biện pháp này đã được tôi áp dụng nhiều năm nay và đã đạt những hiệu quả nhất định.
3/. Những kinh nghiệm luyện kĩ năng đọc cho học sinh đọc kém Tiếng Việt lớp 2.
3.1. Định hướng đúng kiến thức, kĩ năng cần đạt được cho từng tiết học để có biện pháp luyện đọc cho học sinh. 
Tập đọc là phân môn rèn kĩ năng đọc cho học sinh. Rèn kĩ năng đọc là một việc khó khăn, vì thế nên giáo viên cần có kiến thức vững. Học sinh muốn cảm thụ bài văn, bài thơ trước hết phải nghe qua giọng đọc của giáo viên, nắm được cách rèn đọc của giáo viên. Điều này thật ra chúng ta đã nói nhiều nhưng thực hiện còn không ít lúng túng. Thật khó mà xác định cụ thể mức độ kiến thức nhất là kĩ năng sử dụng Tiếng Việt cho từng lớp, từng bài.
	Nhiệm vụ của dạy tập đọc ở Tiểu học là phải xoay quanh hai việc chính: luyện đọc và cảm thụ bài đọc. Nhưng trong dạy tập đọc hầu như thầy cô chỉ thích phân tích cho sâu nội dung bài tập đọc, dành nhiều thì giờ cho “Phân tích” mà ít luyện đọc. Có luyện đọc thì lại chỉ đọc từ , đọc bài, song cũng ít quan tâm uốn nắn cách đọc cho học sinh.
	Để tăng cường luyện đọc đến từng em, sau khi giáo viên hướng dẫn chung nên cho vài em luyện đọc trước lớp để giáo viên uốn nắn, sửa chữa. Giáo viên nên chia lớp làm nhiều nhóm nhỏ để các em luyện đọc với nhau. Cách làm đó đã nâng cao hiệu quả luyện đọc của giờ học. Số học sinh được luyện đọc nhiều hơn. Giáo viên đã phát huy được vai trò của từng học sinh trong luyện đọc. Giáo viên có điều kiện gần gũi giúp đỡ học sinh đọc kém của lớp mình.
3.2. Rèn kĩ năng đọc cho học sinh ngay trong giờ học trên lớp.
	Rèn kĩ năng đọc là nhiệm vụ đặc trưng của tập đọc. Đọc là tiến hành một hoạt động nhận thức trên cơ sở dùng mắt nhìn để nhận mặt chữ theo thứ tự từ dòng trên đến dòng dưới, từ trái sang phải, lần lượt từng dòng và đọc lên thành tiếng (đọc to) và không phải phát âm (đọc thầm). Đọc đúng người nghe mới hiểu nội dung, không có sự nhầm lẫn đáng tiếc. Có đọc hay người nghe mới tiếp thu và có rung cảm trực tiếp với nội dung bài đọc. Đọc cũng chính là tiến hành một hoạt động nhận thức nhằm thông hiểu nội dung bài. Vì thế yêu cầu rèn đọc là yêu cầu cơ bản của tập đọc.
	Muốn đọc rõ ràng, chính xác trước hết phải đọc đúng phụ âm đầu. Khi rèn luyện cho học sinh đọc các phụ âm đầu hay lầm lẫn, giáo viên phải mô tả cách đọc phụ âm trên cơ sở phương pháp phát âm và vị trí cấu âm.
Cách luyện: Giáo viên ghi chữ lên bảng, dùng phấn màu hoặc gạch chân các âm tiết cần phát âm. Giáo viên đọc, học sinh đọc cá nhân - đọc đồng thanh (nên yêu cầu học sinh nhìn kỹ cách phát âm của giáo viên: môi - răng - lưỡi khi phát âm ). Để việc luyện đọc được tốt, giáo viên cần chuẩn bị kỹ trước khi lên lớp và cũng cần phải thường xuyên tự luyện đọc (điều này rất cần thiết đối với giáo viên vì một số giáo viên hay phát âm sai theo cách phát âm của địa phương). 
3.3. Rèn luyện kĩ năng đọc cho học sinh đọc kém Tiếng Việt ngoài giờ lên lớp.
	Như chúng ta đã biết việc rèn luyện giúp đỡ học sinh đọc kém là một phần hết sức quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của người giáo viên. Giáo viên khéo léo sắp xếp cho học sinh đọc kém ngồi với học sinh khá giỏi để tạo điều kiện cho các em có thể giúp đỡ lẫn nhau. Học sinh khá giỏi có nhiệm vụ kèm cặp, hướng dẫn các bạn luyện đọc trong 15 phút đầu giờ, trong giờ sinh hoạt cuối tuần 
Giáo viên mượn truyện tranh ở thư viện cho các em đọc và tập kể chuyện theo tranh, giáo viên kể cho các em nghe rồi hỏi về nội dung của từng câu chuyện, gọi học sinh kể lại cho các bạn nghe về những gì em nắm được. Giáo viên dùng biện pháp khen ngợi, tuyên dương khi các em kể được một đoạn của câu chuyện để các em hứng thú kích thích tinh thần hăng say học tập của các em. Ngoài ra, giáo viên phối hợp gia đình để tạo điều kiện cho con đi học thêm vào các buổi kèm học sinh yếu trong tuần. Giáo viên trực tiếp hướng dẫn các em luyện đọc, kèm cặp uốn nắn cho học sinh bằng nhiều hình thức :
3.4. Trong khi luyện đọc trên lớp, học sinh phải được hoạt động, không khí lớp học phải sôi động hào hứng.
	Đối với học sinh Tiểu học điều này vô cùng quan trọng. Nó có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của giờ học. Lứa tuổi Tiểu học là lứa tuổi năng động. Khả năng tập trung chú ý đúng mức chỉ trong vòng 20 - 25 phút. Cho nên tiết học ở Tiểu học nay chỉ còn từ 35 đến 40 phút. Đối với các em, cái tay khó mà để yên một chỗ, cái óc chẳng thể thiếu điều để suy nghĩ, còn cái chân phải động đậy, cựa quậy, cái mồm luôn muốn huyên thuyên. Thật là một cực hình nếu các em phải ngồi im, không nói, chẳng cựa quậy, cấm động đậy. Vì vậy người thầy giáo có kinh nghiệm là phải biết hướng tính năng động đó của các em vào một mục đích nhất định thì giờ học mới có hiệu quả. 
	Thầy chỉ có thể gọi từng học sinh đọc và sửa lỗi cho học sinh, các học sinh khác phải tự đọc và theo dõi việc đọc của bạn. Học sinh vốn hiếu động, nếu giáo viên không có biện pháp quản lý tốt thì làm sao mà tất cả học sinh trong lớp chú ý vào bài đọc. Cho nên phải làm sao cho các em vui mà đọc, chơi mà đọc. Yêu cầu này đòi hỏi phải thay lời thuyết giảng khô khan của thầy cô và cách đọc buồn tẻ của bạn thành hoạt động thi đọc nhanh, đọc đúng, thi theo dõi bạn đọc đúng hay sai từ ngữ, thi đọc giữa nhóm với nhóm, tổ với tổCó như thế học sinh mới chăm chú theo dõi bạn đọc, lắng nghe lời chỉ dẫn của thầy cô để mình đọc hay, đọc đúng hơn bạn.
	3.5. Tổ chức các trò chơi khi luyện đọc.
	Ví dụ: Trong khi luyện đọc cho học sinh, người thầy phải uyển chuyển biến cái hoạt động khô khan của phần đọc nối tiếp câu thành trò chơi truyền điện. Cô giáo gọi một học sinh đọc, em này có nhiệm vụ đọc câu đầu tiên trong văn bản. Đọc xong em có quyền gọi bất kỳ một bạn nào trong lớp, trong tổ đọc tiếp. Cứ vậy cho đến khi cô giáo nhận thấy đã đủ thời gian và đạt yêu cầu. Hình thức vui chơi này gây được sự hào hứng, sôi nổi vì tất cả các em đều phải luôn trong tư thế chuẩn bị đón nhận luồng điện truyền đến. Mặt khác, các em còn thích thú vì đây không phải là lệnh của cô giáo mà là của bạn bè và bản thân các em. Em được bạn gọi và sau đó em gọi bạn khác.
Ví dụ: Trò chơi ghép chữ, đọc chữ :
	Giáo viên chia học sinh ra làm hai đội, mỗi một đôi cử 1 học sinh lên hái hoa, trong mỗi bông hoa có một chữ, em đại diện đọc to chữ đó cho đội nghe và chạy về chỗ, đến lượt em khác. Cứ như vậy cho đến hết số bông hoa thì một bạn trong đội ghép tất cả các chữ mà đôi mình hái được thành một câu và đọc to trước đội. Đây là cuộc chơi đầy hứng thú đối với các em. Hứng thú vì các em phải ráng sức để cả đội đạt kết quả nhanh hơn, đúng hơn đội bạn. Cái ganh đua lành mạnh đó đã kích thích được các em lao vào công việc một cách hăng say.
PHẦN BA
KẾT THÚC VẤN ĐỀ 
Trong nhiều năm qua, với kinh nghiệm giảng dạy nêu trên, tôi đã thành công với rất nhiều học sinh. Nếu như vào đầu năm học các em đọc còn chậm, nhiều em còn vừa đọc vừa phải đánh vần thì cuối năm, các em đã đọc mạch lạc hơn, nhiều em đã đọc rất diễn cảm. Trước đây có những em rất thụ động, ít phát biểu, nhút nhát, học yếu nhưng giờ các em đã tham gia giờ học thật nhiệt tình. Đặc biệt là các em đã đọc tốt, ngắt nghỉ đúng câu trong văn bản và tham gia sôi nổi vào các hoạt động chung của cả lớp.
Thi cuối học kỳ hai năm học 2010 - 2011, điểm phần đọc (môn Tiếng Việt) của các em rất cao. Kết quả học tập của các em là niềm động viên rất lớn đối với tôi.
Tóm lại: Công tác giảng dạy, giáo dục là một hoạt động rất cần thiết và quan trọng của mỗi giáo viên, dạy cho các em nắm bắt được những kiến thức và kĩ năng tốt, đó là hành trang để các em bước vào cuộc sống sau này. Có thể nói việc rèn cho học sinh cách đọc đúng, đọc hay cũng chính là rèn cho các em kỹ năng nắm bắt, thu nhận thông tin để các em học tốt hơn các môn học khác.
	Trên đây là những kinh nghiệm riêng của bản thân tôi trong việc rèn kỹ năng đọc cho học sinh lớp 2. Đây là những kinh nghiệm nhỏ nhưng nó có tác dụng rất to lớn đối với tôi. Tôi rất mong các bạn đồng nghiệp đóng góp thêm ý kiến để chúng ta làm tốt hơn công tác rèn kĩ năng đọc cho học sinh đọc kém Tiếng Việt.
Sông Đốc, ngày 15/08/2011
 Người viết
 Đoàn Bích Liên

File đính kèm:

  • docKINH NGHIEM LUYEN KI NANG DOC CHO HOC SINH DOC KEMTIENG VIET LOP 2.doc
Giáo Án Liên Quan